Sáng 29/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức dạy văn hóa trong các trường nghề, trường nghệ thuật; đưa giáo dục nghề nghiệp vào trường phổ thông.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc rà soát lại nội dung Công văn số 2672/BGDĐT-GDTX về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên từ năm 2018. Trong trường hợp không phù hợp với các quy định của pháp luật, phải hủy bỏ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, các vướng mắc, giải pháp để tiến hành dạy văn hóa trong các trường nghề; đưa giáo dục nghề nghiệp vào trong các trường phổ thông theo đúng quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, người học được học tập suốt đời.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giải pháp đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông thôn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện tuyển sinh của các trường nghệ thuật được thực hiện bình thường như các năm trước.
Linh hoạt giải quyết vấn đề dạy văn hóa
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được khoảng 350.000 học sinh vào học trình độ Trung cấp, trong số đó có trên 80% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và có nguyện vọng học và thi lấy bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Đến hết năm 2020, cả nước có 245/410 trường Cao đẳng nghề, 380/444 trường Trung cấp nghề có thực hiện tuyển sinh và đào tạo trình độ Trung cấp cho các đối tượng tốt nghiệp Trung học cơ sở, trong đó có khoảng gần 400 trường có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu giảng dạy văn hóa Trung học phổ thông ngay tại trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tổ chức dạy văn hóa, thi cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông theo hệ giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, trong Công văn số 2672/BGDĐT-GDTX ngày 20/6/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông để dự thi lấy bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhất là người học, làm mất đi các cơ hội học tập, dẫn đến không hấp dẫn, khó thu hút người học vào học nghề; công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở khó đạt được mục tiêu đề ra.Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 – 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh cho Học viện Múa Việt Nam; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, do chưa thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục về việc thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật, do các cơ sở giáo dục thường xuyên đảm nhiệm.
Tháng 9/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong việc giảng dạy văn hóa Trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, đến nay những khó khăn, bất cập trong việc dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được giải quyết, tháo gỡ gây khó khăn cho người học, ảnh hưởng đến chính sách phân luồng học sinh sau bậc Trung học cơ sở. Do đó, các mô hình kết hợp giữa đào tạo nghề với việc giảng dạy văn hóa Trung học phổ thông đang là những mô hình hay nhưng hiện rất khó nhân rộng trên phạm vi cả nước và nhân rộng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, việc dạy văn hóa trong trường nghề là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy văn hóa trong các trường nghề, trường nghệ thuật không vướng luật mà do một số quy định chưa rõ.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, việc giải quyết vấn đề dạy văn hóa trong các trường nghề hay dạy nghề nghiệp trong trường phổ thông rất cần sự linh hoạt để phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi cụ thể, thẳng thắn về khó khăn, vướng mắc trong tổ chức dạy văn hóa tại các trường nghề, trường nghệ thuật liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đưa ra một số giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Cuộc họp cũng dành thời gian bàn hướng triển khai, giải pháp để việc dạy nghề trong các trường phổ thông hiệu quả. Dẫn kinh nghiệm từ Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, các trường phổ thông nghề không chỉ đào tạo kỹ năng nghề mà cả tư duy kinh tế nghề để người học có thể khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp thay vì đơn thuần làm công nhân. “Qua đó có thể kích thích phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương với các doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ và vừa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.
Chia sẻ với ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, mô hình “trường vừa học, vừa làm” đã có từ lâu. Việc tổ chức dạy nghề trong trường phổ thông là rất quan trọng nhưng phải thực hiện bài bản, không dừng lại ở một số tiết học mang tính chất hướng nghiệp. Đây là cách làm hiệu quả để đào tạo nghề nông thôn.